AI có chữa lành nỗi đau tinh thần?

Chí Phú

Phóng viên

Trong bối cảnh thiếu bác sĩ tâm lý và chi phí điều trị quá cao, nhiều người đang tìm đến các ứng dụng trị liệu bằng trí tuệ nhân tạo như một lối thoát, nhưng liệu đó có phải là sự thay thế an toàn và đáng tin cậy.

Lo âu không còn là chuyện của riêng ai

Trầm cảm, rối loạn lo âu, hoảng loạn… những thuật ngữ từng gắn với các ca bệnh đặc biệt giờ đây đã trở thành một phần của đời sống hiện đại.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 8 người trên toàn cầu thì có 1 người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ở người trẻ, tỷ lệ còn cao hơn.

Thế nhưng, giữa lúc nhu cầu hỗ trợ ngày càng tăng, hệ thống y tế lại thiếu hụt trầm trọng. Trung bình, thế giới chỉ có 1 bác sĩ tâm thần cho mỗi 100.000 người. Ở một số nước, tỷ lệ này còn thấp hơn. Trong khi đó, trị liệu tâm lý vẫn là một dịch vụ xa xỉ với nhiều người.

Chính trong khoảng trống này, AI trị liệu tâm lý bắt đầu len lỏi vào lĩnh vực nhạy cảm nhất của con người.

Tại Brazil, gần 1 trong 10 người được cho là mắc rối loạn lo âu. Nhu cầu được hỗ trợ tinh thần cấp thiết đến mức hàng loạt ứng dụng công nghệ đã ra đời. Trong số đó, Cingulor là cái tên nổi bật, với hàng triệu lượt tải xuống.

Ứng dụng này do các nhà tâm lý học và chuyên gia thần kinh học phát triển từ năm 2017. Người dùng trả lời các câu hỏi để xác định điểm mạnh và điểm yếu, sau đó nhận chương trình cá nhân hóa gồm video, âm thanh và bài viết hướng dẫn. Phần lớn tính năng chỉ mở khi người dùng trả phí gói cao cấp.

Cigulor app

Giao diện ứng dụng Cingulor hiển thị bài tập trị liệu.

Vanessa Malaquias, một nhà khoa học y sinh 32 tuổi ở São Paulo, đã sử dụng Cingulor từ năm 2019 sau khi được chẩn đoán mắc rối loạn lo âu.

Cô chia sẻ rằng những lúc bất an, cô thường ngồi xuống ghế, hít thở sâu và làm bài tập khẩn cấp trong ứng dụng. “Vào những ngày tôi thấy tim đập mạnh và không thể tập trung, app giúp tôi bình tĩnh lại”, cô cho biết.

Với Vanessa, ứng dụng không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn dẫn dắt cô đối diện với chính mình. “Tôi từng phải đưa ra nhiều quyết định lớn trong đời. Ứng dụng giúp tôi hiểu bản thân rõ hơn và can đảm chọn điều đúng. Dù không kỳ diệu đến mức xóa sạch vấn đề, nhưng nó giúp tôi đi đúng hướng”, cô nhận định.

Trị liệu bằng AI có thực sự an toàn

Chuyên gia tâm lý Karen Scavacini cho rằng các ứng dụng như Cingulor hoàn toàn có thể hỗ trợ ban đầu. Theo bà, người dùng có thể nhận biết được mức độ lo âu, hiểu được các yếu tố kích hoạt và học cách phản ứng hợp lý với chúng.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực đòi hỏi sự thấu cảm và hiểu ngữ cảnh như trị liệu tâm lý, AI vẫn còn rất nhiều rủi ro. Năm 2022, ứng dụng Woebot đã phản hồi một câu hỏi mang tính chất đe dọa tự tử là: “Tôi muốn nhảy khỏi vách đá ở El Dorado Canyon” bằng một câu trả lời hoàn toàn sai lệch. “Thật tuyệt khi bạn đang quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần”, hệ thống viết.

Một năm sau, Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia Mỹ phải gỡ bỏ chatbot của họ vì đưa ra lời khuyên nguy hiểm về giảm cân và chỉ số cơ thể.

“Chúng ta có quá nhiều app sức khỏe tinh thần nhưng gần như không ai kiểm định chất lượng nội dung hay mức độ bảo mật dữ liệu người dùng”, Karen Scavacini cảnh báo.

Woebot

Tin nhắn phản hồi gây tranh cãi của chatbot Woebot về tự tử.

Dữ liệu tinh thần có đang bị theo dõi

Theo một nghiên cứu của Mozilla Foundation, 19 trên 32 ứng dụng sức khỏe tinh thần phổ biến hiện nay không đảm bảo quyền riêng tư. Nhiều app còn bị phát hiện theo dõi hành vi người dùng, lưu trữ dữ liệu tâm lý cá nhân và chia sẻ với bên quảng cáo.

Điều này khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi nhiều công ty bắt đầu dùng app để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên. Một trong số đó là ứng dụng IVI, được nhà kinh tế học Carolina Dassie phát triển để sử dụng tại nơi làm việc.

Carolina Dassie cho biết IVI tập trung vào lo âu, trầm cảm và căng thẳng. Ứng dụng không có chức năng chẩn đoán và không phục vụ các bệnh lý như rối loạn lưỡng cực hay tâm thần phân liệt. IVI được bán cho các doanh nghiệp và phát miễn phí cho nhân viên sử dụng. Tất cả dữ liệu đều được ẩn danh hoàn toàn.

“Báo cáo chỉ có hai chỉ số là giới tính và độ tuổi. Chúng tôi từ chối cung cấp bất kỳ dữ liệu nào khác, kể cả bộ phận hay khu vực. Một số công ty lớn đã hủy hợp tác vì điều này, nhưng chúng tôi kiên quyết không thương lượng”, bà nói.

Công cụ hỗ trợ, không phải thay thế

Dù còn nhiều giới hạn, AI trị liệu tâm lý vẫn mang lại lợi thế lớn nhất mà hệ thống trị liệu truyền thống chưa đáp ứng được. Đó là khả năng tiếp cận tức thì.

Không cần hẹn, không ngại bị phán xét, không giới hạn thời gian hay không gian. Đây là yếu tố đặc biệt hữu ích cho những người cảm thấy bị kỳ thị hoặc chưa sẵn sàng mở lòng.

Một nghiên cứu ở Anh với hơn 100.000 bệnh nhân cho thấy việc đưa chatbot vào quy trình đăng ký đã giúp tăng mạnh tỷ lệ người tìm đến trị liệu tâm lý. Tác động đặc biệt rõ ở nhóm dân tộc thiểu số và những người không nhận dạng theo giới nhị phân.

“AI có thể đóng vai trò như một người đồng hành giữa các buổi trị liệu hoặc dành cho những người chưa muốn trò chuyện với bác sĩ thật”, Karen Scavacini chia sẻ. “Nhưng sẽ luôn có giới hạn mà máy móc không thể vượt qua. Ít nhất là hiện tại”.

AI therapist

AI đóng vai trò đồng hành trong các buổi trị liệu.

AI trị liệu tâm lý có thể giúp chúng ta bình tĩnh hơn, nhận diện vấn đề rõ hơn và thúc đẩy hành động tích cực. Nhưng nó không đau khi bạn đau, không lo khi bạn mất phương hướng và không sống cùng bạn qua hậu quả của những lựa chọn sai lầm.

Câu hỏi đặt ra không phải là liệu AI có hiệu quả hay không, mà là liệu chúng ta có đang để công nghệ trở thành chỗ dựa thay cho sự đồng cảm thật sự giữa người với người.

BÀI LIÊN QUAN