Chàng trai xứ Quảng rẽ hướng theo ngành y, thương ba vất vả bám biển mưu sinh

Yolo24h.vn

Trang thông tin điện tử tổng hợp

Sinh ra và lớn lên ở ngôi làng ven biển, có ba quanh năm bám biển mưu sinh, nhưng anh Quang Trọng (Điện Bàn, Quảng Nam) lựa chọn rẽ sang một hướng khác khi theo đuổi công việc liên quan đến ngành y.

Làng Hà Quảng, nay là khối Quảng Gia (thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Nhiều đời nay ở đây có nghề đi biển, các hộ dân bám biển mưu sinh ngày qua ngày, duy trì và phát triển cuộc sống nơi biển khơi vạn dặm.

Ký ức không quên những chuyến đi biển giữa bão táp của ba…

Gia đình anh Trọng sống cách biển khoảng 300m, ngay phía sau nhà là biển. Ba anh đã làm nghề đi biển từ lâu, chính bản thân anh Trọng cũng không biết nghề này đã có từ khi nào, chỉ biết khi sinh ra đã thấy bố bám biển ngày đêm. Xung quanh các gia đình khác, nhà nào cũng có đàn ông đi biển, cứ thế nghề này được lưu truyền qua nhiều năm, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

“Ngày xưa ba tôi đi biển mỗi chuyến 2-3 ngày là vào bờ, nay tuổi cũng cao nên thường sáng đi tối về. Cứ khoảng 3h sáng là đi, đến 8-9h đêm vào bờ. Ngày trước ba hay bám biển dài ngày nhưng bây giờ ít hơn rồi, chỉ đi về trong ngày thôi” – Anh Trọng cho biết.

Anh Quang Trọng xuất thân trong gia đình có ông nội và ba đều làm nghề đi biển.

Sau mỗi chuyến ra biển, sản vật đánh bắt được gồm cá, tôm, mực…sẽ được mẹ anh Trọng đem đi bán ở chợ. Mỗi chuyến thu về 400.000 – 500.000 VNĐ, có khi hơn 1.000.000 VNĐ. Như thế số tiền này cũng đủ để trang trải cuộc sống gia đình qua ngày, lo cho các con ăn học dưới đôi bàn tay vun vén của người mẹ.

Là dân vùng biển, sống cạnh biển và có người thân làm nghề đi biển, hơn ai hết anh Trọng hiểu cảm giác mỗi mùa mưa bão khi nghe tin thuyền của ba chưa vào bờ an toàn. Nhớ lại năm học lớp 10, gia đình anh Trọng như ngồi trên đống lửa khi ba đi biển gặp bão, tàu chết máy không vào bờ được. Sau đó may mắn các đồng chí ở đồn biên phòng Cửa Đại hỗ trợ đưa tàu và người vào bờ an toàn. 

“Nhiều lúc mưa bão, cả nhà ai cũng sợ hãi và lo lắng. Nhưng đây là nghề mưu sinh của gia đình, truyền thống ở địa phương rồi nên mọi người cứ theo nghề mà làm thôi. Mẹ tôi cũng hay động viên ba, nghề này có thể lo cho con cái, cuộc sống gia đình, nếu nghỉ thì không biết làm gì khác” – Anh Trọng bày tỏ.

Gia đình anh Trọng có 4 anh em, phía sau chàng trai này còn 3 cô em gái. Bản thân anh Trọng quyết định không theo nghề biển của gia đình và 3 em gái chắc chắn cũng như vậy. Tất cả quyết định tìm một con đường khác, coi như nghề biển được truyền từ đời này qua đời khác không có ai trong gia đình tiếp tục tiếp nối.

“Ba mẹ cố gắng làm nghề biển mưu sinh cho các con ăn học, để sau này kiếm ngành nghề khác làm cho khoẻ hơn chứ không thề nghề biển mưa gió cực khổ” – Anh Trọng cho biết.

Khung cảnh cửa biển nơi gia đình anh Quang Trọng và nhiều hộ gia đình khác mỗi ngày ra khơi.

Con đường xóm nhỏ nơi anh Quang Trọng đang sinh sống.

Bản thân anh Trọng cũng có thử đi biển, sau mỗi giờ đi học đi làm thấy ba ra khơi lại xin đi theo. Nhưng chỉ đi những chuyến gần bờ, hoặc đi câu vào cuối tuần hay ngày nghỉ. Anh Trọng chưa có chuyến đi nào thực sự ra khơi bám biển đánh bắt phụ ba vì nỗi lo sợ thường trực bên trong bản thân.

“Ba mẹ luôn muốn con mình học hành đàng hoàng đổi hướng khác làm việc tốt hơn. Hiện tại chỗ tôi đang ở nhiều thanh niên cũng không làm nghề biển, đi tìm công việc khác ổn định hơn, ít đi biển lắm” – Anh Trọng chia sẻ.

Rẽ hướng sang ngành Y chữa bệnh cứu người

Sau quá trình theo học tại trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, anh Trọng hiện tại đang làm việc tại Bệnh viện đa khoa Hội An chuyên về châm cứu và các bài thuốc đông y. Anh cho biết được tiếp xúc với đông y từ nhỏ khi trong nhà có ông cố làm nghề này, từ đó yêu thích nên muốn theo đuổi.

“Tôi theo ngành y vì hồi trước ông cố và ông nội là thầy thuốc, ông cố nổi tiếng trong vùng lắm, được người dân hay gọi là thầy Quy. Nghề chữa bệnh cứu người là nghề cao quý, đó cũng là điều thôi thúc tôi muốn học và công tác trong ngành y” – Anh Trọng cho biết.

Anh Quang Trọng hiện tại đang theo nghề y, chuyên về y học cổ truyền.

Theo anh Trọng, thu nhập từ nghề y cũng không phải quá cao, vừa đủ khả năng chi trả cho cuộc sống sinh hoạt ở quê. Nhưng đây là nghề yêu thích, ông cố để lại cho ba nhưng vì ba không theo, chọn nghề đi biển nên anh quyết định nối nghiệp ông cố.

Ngoài giờ làm việc tại bệnh viện, anh Trọng làm bệnh thêm ở ngoài. Ai đau ốm hay có nhu cầu thăm khám khi liên hệ sẽ đến trực tiếp chữa trị. Ước mơ trong tương lai của anh Trọng là mở được một phòng khám riêng để bốc thuốc, chữa bệnh cứu người.

Dù không theo nghề bám biển, nhưng với anh Quang Trọng đây vẫn là công việc đầy giá trị khi ba đã làm để nuôi các con ăn học.

Giống anh Trọng, xung quanh ngôi làng chài ven biển, những người ra khơi bám biển mưu sinh đa phần là bậc cha chú, lớp thanh niên ít đi hơn mà lựa chọn những ngành nghề khác để lập nghiệp. Họ mong muốn từ đó cải thiện cuộc sống, giúp đỡ cho cha mẹ bớt vất vả phần nào.

Phương Thảo/Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM

https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/chang-trai-xu-quang-re-huong-theo-nganh-y-thuong-ba-vat-va-bam-bien-muu-sinh-c8a84130.html

BÀI LIÊN QUAN