Để mở ra cánh cửa đổi đời cho gia đình, người nông dân đã tìm ra được chiếc chìa khóa đặc biệt, đó là… cây sầu riêng trăm tuổi. Từ sản vật này, nhiều nông dân ở Đắk Lắk có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Chìa khóa thành công từ cây sầu riêng cổ thụ
Đắk Lắk, một vùng đất đầy nắng và gió của Tây Nguyên, từ lâu đã nổi tiếng với những vườn cà phê bạt ngàn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cây sầu riêng đã dần trở thành một trong những cây trồng chủ lực, giúp nhiều nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Huyện Krông Pắk được coi là thủ phủ sầu riêng của tỉnh này, bởi sở hữu hàng ngàn hecta sầu riêng. Trong đó, có nhiều cây sầu riêng đặc biệt từ vài chục đến hơn trăm tuổi. Những cổ thụ sầu riêng này cũng là chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa đổi đời cho bà con nông dân.
Rừng sâu riêng hàng ngàn hecta tại Đắk Lắk. Ảnh: Thu Hà
Sở hữu cây sầu riêng cổ thụ trăm tuổi, gia đình ông Lê Văn Thành (thôn Tân Lập, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) thường xuyên đón nhiều đoàn khách xa gần đến thăm quan, đặc biệt là những dịp Lễ hội sầu riêng.
Cây sầu riêng cổ thụ của ông Thành, thân to một người ôm không hết
Ông Thành cho biết, sau năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông từ Thừa Thiên Huế theo cha vào đây và gắn bó với đất đỏ bazan từ đó đến nay, xem vùng đất Tây Nguyên này như quê hương thứ 2 của mình.
“Thời điểm đó, bà con trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Krông Pắk nói riêng chủ yếu trồng độc canh cây cà phê, chỉ có vài cây sầu riêng cao lớn, rợp bóng nằm giữa các vườn cà phê bạt ngàn. Lúc đó, trong rẫy của gia đình tôi cũng có một số cây sầu riêng rất to, chủ yếu là giống sầu riêng hạt. Sau này, trong quá trình canh tác, gia đình tôi đã cắt bỏ một số cây để phục vụ tái canh cây trồng, nên hiện chỉ còn lại duy nhất cây sầu riêng cổ thụ khoảng hơn 100 tuổi”, ông Thành kể.
Nhờ sầu riêng mà ông Thành và nhiều nông dân khác có thể làm giàu trên đất quê hương
Đối với gia đình ông Thành, cây sầu riêng cổ thụ này được xem như một báu vật vô giá. Bởi, không chỉ mang lại giá trị kinh tế, sầu riêng cổ thụ còn là một di sản lịch sử, thể hiện cho sự bền vững của ngành sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Krông Pắk nói riêng.
Theo ông Thành, cây sầu riêng cổ thụ của gia đình ông cao khoảng 30m, tán rộng 10m bao phủ khoảng đất lớn, gốc cây to lớn, 2 người ôm không xuể. Đặc biệt, dù già cỗi nhưng cây sầu riêng vẫn cho ra trái đều đặn mỗi năm, với số lượng từ 60-70, thậm chí có thời điểm lên đến 100 trái và mỗi trái có trọng lượng từ 2kg trở lên.
Cây sầu riêng cổ thụ là chìa khóa để giúp những người nông dân đổi đời
Đáng chú ý, mỗi trái sầu riêng từ cổ thụ này dù có hạt to nhưng vỏ mỏng, cơm dày, vàng ươm, tạo ra hương thơm lừng hòa quyện vị béo ngậy khi thưởng thức.
Để cây sầu riêng cổ thụ khỏe mạnh, xanh tốt, gia đình ông thường xuyên chăm sóc theo cách đặc biệt, luôn theo dõi sát sao để kịp thời khống chế các loại sâu, bệnh. Ông Thành liên tục cập nhật kiến thức, ứng dụng công nghệ trong việc chăm sóc để duy trì và phát triển cây trồng trăm tuổi này.
Du khách thích thú “check in” với cây sầu riêng cổ thụ
Ngoài cây sầu riêng cổ thụ của gia đình ông Thành, trên địa bàn huyện Krông Pắk còn có 2 cây sầu riêng cổ thụ khác với có độ cao hàng chục mét, tán rộng, gốc to 2-3 người ôm.
Những cây sầu riêng cổ thụ này đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi cơ cấu cây trồng, từ đó mở ra hướng đi mới trong hành trình làm giàu trên đất quê hương bằng nông sản địa phương của người nông dân.
Thu nhập tiền tỷ, đổi đời từ sản vật quê hương
Ông Thành chia sẻ, cũng chính từ sự phát triển bền vững của cây sầu riêng trăm tuổi, gia đình ông quyết định đầu tư vào sản vật của vùng đất này. Sau đó, gia đình ông Thành đã trồng thêm các loại giống sầu riêng được thị trường ưa chuộng khác như Dona và Ri6.
Từ cây sầu riêng cổ thụ, nông dân đã trồng thêm nhiều giống sầu riêng khác, cây thấp hơn nhưng ra trái nhiều hơn
Sầu riêng là sản vật quý báu của bà con nông Đắk Lắk
Hiện sầu riêng gia đình ông Thành đang vào mùa thu hoạch, năm ngoái, gia đình ông có khoảng gần 200 cây sầu riêng với sản lượng hơn 40 tấn, năm nay trồng thêm 100 cây, dự tính sản lượng thu hoạch sẽ tăng lên đáng kể.
Bên cạnh việc chọn giống, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, việc áp dụng các biện pháp chăm sóc hiện đại như tưới nhỏ giọt, bón phân hữu cơ, và quản lý dịch bệnh cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng trái sầu riêng.
Nhờ đó, nhiều hộ nông dân như ông Thành đã có thu nhập hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm từ cây sầu riêng, giúp đời sống gia đình ngày càng ổn định.
Nông dân thu hoạch sầu riêng khi vào mùa
Ông Mai Đình Thọ – Chủ tịch Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sạch huyện Krông Pắk cho biết, hợp tác xã có 3 cây sầu riêng cổ thụ được người Pháp trồng thời kỳ khai thác thuộc địa, trong đó có 1 cây hơn 100 tuổi.
Những cây sầu riêng này được người Pháp trồng xen vào đường ranh của vườn cafe rồi bén rễ tại vùng đất này. Từ đó cây sầu riêng đã góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông sản địa phương.
Từ nông sản phụ, sầu riêng thành cây trồng chủ lực của địa phương, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân và góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện Krông Pắk và tỉnh Đắk Lắk.
Các loại nông sản địa phương đã giúp bà con dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk đổi đời
Theo ông Thọ, năm 2024, diện tích cây sầu riêng toàn huyện Krông Pắk khoảng 10.000ha, sản lượng dự kiến khoảng 92.000 tấn. Có 34 mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu với diện tích hơn 2.000ha và 13 cơ sở đóng gói các loại trái cây tươi xuất khẩu đã được cấp mã số hoạt động.
Trong khi đó ông Trần Hồng Tiến – Bí thư Huyện ủy Krông Pắk cũng cho hay, trên địa bàn huyện có 35 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 36% dân số. Sầu riêng là nông sản đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đổi đời. Nhiều nông dân thu nhập tiền tỷ, xây dựng nhà cửa khang trang, sắm ô tô con, cải thiện chất lượng sống nhờ sản vật sầu riêng.
Cây sầu riêng đã và đang mang lại sự thịnh vượng cho nhiều hộ gia đình nông dân ở Đắk Lắk. Với sự quyết tâm, khéo léo trong canh tác, và tinh thần không ngừng học hỏi, người nông dân nơi đây đã biến những mảnh đất tưởng chừng khô cằn thành những vườn cây trái trĩu quả, mang lại nguồn thu nhập cao.
Lãnh đạo địa phương đang tham quan cây sầu riêng cổ thụ
Sầu riêng không chỉ là câu chuyện về kinh tế, mà còn là niềm tự hào của những người con Đắk Lắk, khi họ có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Về việc kế hoạch phát triển sầu riêng bền vững, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, ông Nguyễn Văn Hà – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, đang tham mưu cho UBND tỉnh để xây dựng đề án phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Trong đó tập trung xác định các vùng trọng điểm sầu riêng, những vùng không trọng điểm và những vùng không được trồng sầu riêng nhằm tránh tình trạng phát triển không theo định hướng quy hoạch. Đồng thời hỗ trợ đầu tư đồng bộ để xây dựng vùng lõi nhằm đảm bảo phát triển ngành hàng sầu riêng từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến xuất khẩu. Ngoài ra, chú trọng nâng cao chất lượng của tiêu chuẩn sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm,…
Tứ Quý/Theo Tạp chí Du Lịch TPHCM