Khi đối mặt với những điều bất định trong cuộc sống: Từ kết quả xét nghiệm y tế đến phản hồi công việc hay những quyết định lớn nhỏ… nhiều người có xu hướng suy nghĩ quá nhiều, cố gắng kiểm soát mọi khả năng có thể xảy ra.
Việc này dễ dẫn đến lo lắng, trì hoãn và cảm giác bị mắc kẹt trong chính dòng suy nghĩ của mình.
Thay vì tìm cách kiểm soát mọi thứ, bạn có thể học cách kiểm soát phản ứng của chính mình. Dưới đây là 7 câu bạn có thể nói với bản thân mình, để giữ được sự sáng suốt hơn, tự chủ và tiếp tục tiến bước đầy tự tin.
“Dù nhận được thông tin gì, tôi vẫn có quyền lựa chọn bước đi tiếp theo”
Câu này đặc biệt hữu ích khi bạn cảm thấy lo sợ rằng những thông tin sắp nhận (như kết quả xét nghiệm, báo cáo tài chính, hay phản hồi từ cấp trên…) sẽ khiến bạn mất quyền làm chủ.
Cảm giác này rất phổ biến: chúng ta e rằng khi biết rõ sự thật, mình sẽ bị buộc phải hành động theo một cách nào đó, không còn lựa chọn.
Nhưng thực tế là dù thông tin đến từ đâu hay mang sắc thái gì – tích cực hay tiêu cực – bạn vẫn luôn có quyền quyết định cách phản ứng và hướng hành động tiếp theo. Thông tin không kiểm soát bạn. Chính cách bạn tiếp nhận và phản ứng với nó mới là điều quan trọng.
“Thông tin tôi nhận được có thể tốt hơn hoặc tệ hơn tôi nghĩ.”
Câu này giúp bạn thoát khỏi vòng xoáy lo lắng và thói quen “viết kịch bản tiêu cực” trong đầu, kiểu như “chắc chắn mình sẽ thất bại”, “rồi mọi thứ sẽ đổ vỡ thôi”… Những suy nghĩ kiểu này thường không dựa trên dữ kiện thực tế mà xuất phát từ nỗi sợ hãi mơ hồ về điều chưa biết.
Tuy nhiên, thay vì cố gắng xoa dịu bản thân bằng cách nghĩ đến những viễn cảnh hoàn hảo (một dạng “tích cực mù quáng”), bạn có thể học cách mở rộng suy nghĩ: “Kết quả có thể tốt hơn tôi mong đợi, hoặc có thể không – và tôi vẫn có thể ứng phó.”
Điều này giúp bạn xây dựng khả năng đón nhận thực tế với sự bình tĩnh, không phán xét mà không bị cuốn vào việc cố đoán trước điều gì sẽ xảy ra.
“Tôi có thể kiểm soát hành động của mình, nhưng không thể kiểm soát kết quả hoặc phản ứng của người khác.”
Khi đứng trước sự không chắc chắn – chẳng hạn một cuộc họp quan trọng, một buổi phỏng vấn hay một mối quan hệ đang gặp trục trặc – cảm giác bất lực thường bắt nguồn từ việc bạn đang cố gắng kiểm soát những thứ nằm ngoài tầm tay: phản ứng, đánh giá hoặc cảm xúc của người khác.
Câu tự nhủ này giúp bạn chuyển trọng tâm từ những điều không thể kiểm soát sang những gì bạn có thể làm chủ ngay bây giờ.
Đó là hành động, là sự chuẩn bị, là lựa chọn của bạn – những yếu tố đóng vai trò then chốt trong việc lấy lại cảm giác vững vàng giữa hỗn loạn.
Khi bạn hành động trong vùng mình kiểm soát, bạn không còn cảm thấy mình trôi nổi giữa bất định, mà đang chủ động bơi qua nó.
“Một quyết định đúng vẫn có thể cho ra kết quả xấu, và ngược lại.”
Một trong những sai lầm phổ biến khi đối mặt với sự không chắc chắn là đánh giá quyết định dựa hoàn toàn vào kết quả cuối cùng. Nhưng thực tế, kết quả không luôn phản ánh chính xác chất lượng của quyết định.
Có những lúc bạn đưa ra lựa chọn đúng đắn, dựa trên dữ liệu đầy đủ, cân nhắc kỹ càng nhưng kết quả vẫn không như mong muốn, vì có những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát. Ngược lại, một quyết định bốc đồng hoặc liều lĩnh vẫn có thể… vô tình dẫn đến kết quả tốt.
Ví dụ:
Một người chọn đầu tư vào lĩnh vực có tiềm năng, đã tham khảo kỹ thị trường và phân tích rủi ro, nhưng đúng thời điểm đó thị trường biến động mạnh vì yếu tố bất ngờ, khiến khoản đầu tư thất bại.
Một người khác chọn công việc chỉ vì cảm tính, không cân nhắc kỹ, nhưng may mắn lại rơi vào môi trường phù hợp và phát triển tốt.
Vì vậy, điều quan trọng không phải là kết quả tốt hay xấu, mà là quá trình bạn đã suy nghĩ, chuẩn bị và lựa chọn như thế nào. Việc đánh giá bản thân dựa trên cách bạn ra quyết định – chứ không phải chỉ nhìn vào kết quả – sẽ giúp bạn phát triển sự tự tin và khả năng ra quyết định tốt hơn trong tương lai.
“Hôm nay, tôi có thể kiểm soát điều X, nhưng không thể kiểm soát điều Y.”
Khi một phần cuộc sống trở nên bất định, bạn vẫn có thể tìm thấy cảm giác ổn định bằng cách chăm sóc các lĩnh vực khác.
Ví dụ:
“Tôi có thể kiểm soát việc nấu cơm, gọi điện cho mẹ hay đọc truyện cho con, nhưng tôi không thể kiểm soát thời điểm nhận được kết quả phỏng vấn.”
Việc phân định rõ những điều có thể và không thể kiểm soát là cách hữu hiệu để giữ vững sự bình tâm trong cơn hỗn loạn.
“Tôi có thể chọn tránh sai lầm, hoặc chọn tiến bộ: nhưng không thể chọn cả hai.”
Trong hành trình đạt được mục tiêu, việc phạm sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Nếu bạn chờ đến khi chắc chắn mình “không thể sai”, bạn sẽ mãi chần chừ.
Gợi ý: Đừng hỏi “Làm sao để tôi không mắc sai lầm?”, hãy hỏi:
“Làm sao để tôi tiến lên, học hỏi và điều chỉnh trong quá trình?”
“Những thành tựu lớn nhất của tôi đều từng đi kèm sai lầm.”
Khi nhìn lại các mốc quan trọng trong cuộc đời, hiếm ai thành công mà không từng vấp ngã, loay hoay, sửa sai. Sai lầm không phải là điểm kết thúc, nó là một phần không thể thiếu trong tiến trình phát triển.
Hãy tự hỏi:
“Tôi đã từng đạt được điều gì mà không cần đến những lần học hỏi từ sai lầm?”
Câu trả lời có thể sẽ làm bạn mỉm cười và nhẹ nhõm hơn.
Chuyển từ “người suy nghĩ cẩn trọng” sang “người hành động cẩn trọng”
Suy nghĩ kỹ lưỡng là một điểm mạnh, nhưng chỉ khi bạn biết sử dụng nó đúng cách. Những câu tự nhủ trên không nhằm thay đổi con người bạn, mà giúp bạn tận dụng tư duy phân tích của mình để hành động dứt khoát hơn.