10 chuyến tàu nhanh nhất thế giới

Anh Thịnh

Biên tập viên

Tàu cao tốc đang thay đổi diện mạo giao thông toàn cầu, từ châu Á đến châu Âu, với tốc độ vượt trội và công nghệ ngày càng hiện đại.

Đường sắt cao tốc là giải pháp thay thế hiệu quả nhất thay cho hàng không cho hành trình dài tới 1.120km. Kể từ những năm 1980, hàng trăm tỷ USD được đầu tư vào các tuyến đường sắt cao tốc, công suất lớn trên khắp châu Âu và châu Á, trong đó đi đầu là hệ thống Shinkansen của Nhật Bản và TGV của Pháp.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc vươn lên trở thành quốc gia số một trong phát triển đường sắt cao tốc. Tính đến cuối năm 2024, mạng lưới đường sắt cao tốc của nước này đã dài khoảng 47.000 km.

Tây Ban Nha, Đức, Italy, Bỉ và Anh đang mở rộng mạng lưới đường sắt châu Âu. Châu Phi khai thác tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên Al-Boraq ở Morocco. Trong khi đó, các quốc gia Hàn Quốc, Arab Saudi, Ấn Độ, Thái Lan, Nga hay Mỹ cũng cam kết xây dựng các tuyến đường sắt mới, nơi tàu sẽ di chuyển giữa các thành phố lớn với tốc độ hơn 250 km/h.

Với sự phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua, dưới đây là danh sách cập nhật 10 tàu cao tốc nhanh nhất hiện đang hoạt động trên thế giới, theo tốc độ vận hành.

Mũi tên đỏ: 300 km/h (Italy)

Tuyến tàu Frecciarossa, còn được gọi là “mũi tên đỏ”, do công ty đường sắt quốc gia Trenitalia của Italy vận hành từ năm 2017.

Tàu dài 200 m, gồm 8 toa, chở được 457 hành khách và có thể đạt tốc độ kỹ thuật tối đa 400 km/h, trong khi tốc độ khai thác thực tế là 300 km/h.

Các dịch vụ của Mũi tên Đỏ hoạt động khắp mạng lưới đường sắt tốc độ cao hình chữ T của Italy, nối Turin, Milan và Venice ở phía bắc với Bologna, Florence, Rome và Naples. Loại tàu này còn hoạt động tại Tây Ban Nha, do hãng Iryo điều hành.

KTX-Sancheon: 305 km/h (Hàn Quốc)

KTX-Sancheon được đặt tên theo tên tiếng Hàn của loài cá hồi anh đào bản địa. Đây là thế hệ tàu cao tốc đầu tiên do Hàn Quốc thiết kế và phát triển hoàn toàn, bắt đầu hoạt động vào năm 2004.

Các chuyến tàu KTX-Sancheon chở được 363 hành khách, có thể vận hành với tốc độ lên tới 330 km/h dù giới hạn bình thường là 305 km/h.

Với tối đa hai chuyến khởi hành mỗi tiếng trên các tuyến đường chính và đoàn tàu lên tới 20 toa, KTX là hệ thống giao thông công cộng tốc độ cao vận chuyển hàng trăm triệu lượt hành khách mỗi năm.

Tàu KTX cũng vận hành các tuyến nối Seoul với Gwangju, Mokpo và Yeosu ở phía nam đất nước, nối Gangneung ở phía đông bắc, nơi đăng cai Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang năm 2018.

AVE 103: 310 km/h (Tây Ban Nha)

Đường sắt cao tốc Tây Ban Nha bắt đầu hoạt động vào năm 1992 khi tuyến đầu tiên được mở, kết nối các thành phố Madrid, Córdoba và Seville. Kể từ đó, mạng lưới đã mở rộng để kết nối các thành phố lớn của đất nước, cũng như các kết nối quốc tế.

Tàu AVE 103 do Siemens sản xuất và được vận hành bởi công ty đường sắt quốc gia Tây Ban Nha Renfe. AVE 103 có thể đạt tốc độ khai thác 310 km/h và từng lập kỷ lục 403,7 km/h trong thử nghiệm năm 2006.

Tuyến Barcelona – Madrid dài 621 km là nơi 26 đoàn AVE 103 đang hoạt động, mỗi đoàn chở 404 hành khách. Cấu hình tàu bao gồm hai nửa giống hệt nhau, mỗi nửa có hệ thống điện riêng, chỉ chia sẻ nguồn điện áp cao và cần tiếp điện.

Các toa cuối được chia thành cabin lái và ghế hành khách, với các tấm kính ngăn cách hai bên. Điều này cho phép hành khách có cùng tầm nhìn với tài xế – nhưng tài xế có thể làm mờ những tấm kính này nếu muốn.

Al Boraq: 320 km/h (Morocco)

Al Boraq là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của châu Phi, nối Casablanca và Tangier, do công ty điều hành quốc gia Morocco Office National des Chemins de Fer du Maroc (ONCF) vận hành.

Tàu Alstom Avelia Euroduplex – loại tàu hai tầng – vận hành trên tuyến này, với tốc độ khai thác 320 km/h. Mỗi đoàn tàu gồm 10 toa (2 toa động lực và 8 toa khách), chở được 533 hành khách.

Dự án trị giá 2 tỷ USD đã rút ngắn thời gian đi lại giữa Casablanca và Rabat từ gần 5 tiếng xuống chỉ hơn 2 tiếng. Tàu từng đạt 357 km/h trong thử nghiệm.

Shinkansen: 320 km/h (Nhật Bản)

Những chuyến tàu Shinkansen đầu tiên đi vào hoạt động năm 1964, hiện được phân loại là dòng 0, có tốc độ hoạt động tối đa là 220km/h. Dòng E5 và H5 hiện tại, do Hitachi Rail và Kawasaki Heavy Industries chế tạo, đạt tốc độ hoạt động tối đa là 320km/h.

Mỗi đoàn tàu có 731 ghế ngồi và 32 động cơ cảm ứng điện, tổng công suất 12.900 mã lực. Tàu chế tạo bằng hợp kim nhôm nhẹ, sử dụng hệ thống treo chủ động cho phép tàu vượt qua khúc cua với vận tốc cao hơn.

Mẫu H5 được thiết kế riêng để hoạt động trong điều kiện tuyết và thời tiết lạnh, bao gồm một máy cày tuyết được nâng cấp, lớp bảo vệ cao su bền hơn ở các kết nối giữa các toa tàu và khung gầm bằng thép không gỉ bảo vệ các thiết bị điện tử.

DB ICE: 330 km/h (Đức)

ICE 3 là tàu cao tốc chủ lực của Đức, do Siemens và Bombardier chế tạo, được vận hành bởi Deutsche Bahn.

Tàu ICE 3 có thể đạt tốc độ vận hành 320 km/h. Trên tuyến Frankfurt–Cologne, loại ICE 3 Class 403 được phép chạy 330 km/h để bù trễ giờ. Chìa khóa vận hành ICE3 là 16 động cơ điện lắp đặt ở toàn bộ đoàn tàu dài 8 toa, công suất 11.000 mã lực.

Trong thử nghiệm, các đoàn tàu này từng đạt 368 km/h. Một số phiên bản được dùng ở Hà Lan, Bỉ và Pháp.

TGV: 320 – 350 km/h (Pháp)

TGV là tàu cao tốc biểu tượng của Pháp, được thế giới công nhận là nhà tiên phong trên lĩnh vực đường sắt cao tốc. Ngành đường sắt Pháp từng bước vượt qua giới hạn tốc độ của tàu bình thường từ Thế Chiến II, phá vỡ kỷ lục năm 1955 là 331 km/h, năm 1981 là 380 km/h, năm 1990 là 515,3 km/h.

Năm 2007, một đoàn TGV POS được sửa đổi đã lập kỷ lục 574,8 km/h – hiện vẫn là tốc độ cao nhất của tàu truyền thống.

Ngày nay, các tàu TGV vận hành ở tốc độ 320 km/h, kết nối Pháp với nhiều nước châu Âu như Italy, Đức, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Anh, Bỉ, Luxembourg…

Mẫu mới nhất, TGV-M (hay Avelia Horizon), dự kiến vận hành năm 2024 với tốc độ thiết kế 350 km/h.

Pháp cũng thành công xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc ra khắp thế giới. Công nghệ TGV được bán cho Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Đài Loan, Morocco, Italy và Mỹ trong suốt 30 năm qua.

CR Fuxing: 350 km/h (Trung Quốc)

China Railway (CR) Fuxing là mẫu tàu tốc độ cao đầu tiên được sản xuất hoàn toàn trong nước tại Trung Quốc. Tàu vận hành với tốc độ 350 km/h và từng đạt 420 km/h trong thử nghiệm. Một đoàn tàu có 8 toa dài 209 m, rộng 3,36 m và cao 4,06 m, có thể chở hơn 500 hành khách.

Tàu tích hợp nhiều tính năng như thiết bị giải trí tại chỗ, màn hình cửa kính thông minh, sạc không dây, “cabin thông minh”, thậm chí có cả tàu được thiết kế hoạt động trong thời tiết khắc nghiệt và vận hành tự động.

CR Fuxing cũng được cải tiến để hoạt động ở khu vực độ cao lớn như cao nguyên Tây Tạng. Đây cũng là mẫu tàu cao tốc đầu tiên của Trung Quốc hoạt động tại nước ngoài, cụ thể là trên tuyến Jakarta–Bandung (Indonesia).

CR Harmony: 350 km/h (Trung Quốc)

Dòng tàu Harmony (Hexie) sử dụng công nghệ nhập khẩu nhưng sau đó được phát triển thành công nội địa, mở đường cho dòng Fuxing. Dù hoạt động ở cùng tốc độ với các đoàn tàu Fuxing, với tốc độ hoạt động tối đa là 350km/h nhưng các tàu Harmony đạt vận tốc cao hơn trong thử nghiệm.

Tàu Harmony CRH380A đạt 486,1km/h trong lần chạy thử nghiệm năm 2010, trong khi mẫu Harmony CRH380Dđạt 483km/h.

Hiện có 85 đoàn tàu Harmony đang hoạt động ở Trung Quốc, chia đều tại hai khu vực Thượng Hải và Thành Đô.

Tàu đệm từ Thượng Hải

Tàu đệm từ Thượng Hải là tàu cao tốc thương mại nhanh nhất thế giới, với tốc độ vận hành 460 km/h và từng đạt 501 km/h. Tàu sử dụng công nghệ đệm từ để bay trên đường ray thay vì bánh xe chạy trên đường ray thép, cho phép di chuyển cực kỳ êm ái và yên tĩnh.

Tàu bắt đầu hoạt động thương mại vào tháng 4/2004, chạy trên tuyến đường dài 30,5 km kết nối sân bay Phố Đông ở Thượng Hải với ga Long Dương ở trung tâm thành phố, và chỉ mất 7 phút 30 giây để hoàn tất hành trình.

Dựa trên kinh nghiệm sau hơn 10 năm vận hành, Trung Quốc hiện tự phát triển công nghệ tàu đệm từ với vận tốc lên tới 600 km/h và đặt tham vọng phát triển mạng lưới đường sắt đệm từ khắp đất nước, trong đó có tuyến Hàng Châu – Thượng Hải.

BÀI LIÊN QUAN